Hương vị bánh giày của người Tày Tân Trào

Thứ bẩy, ngày 12-10-2024, 15:18| 24 lượt xem

Đồng bào dân tộc Tày ở vùng đất chiến khu Tân Trào có nhiều món ăn độc đáo, mang đặc trưng của vùng miền và văn hóa dân tộc. Trong đó, món bánh giày là một món ăn dân dã nhưng nhưng vẫn rất đặc biệt và ngon miệng, để lại ấn tượng đối với những ai đã từng được nếm qua.

 

Du khách trải nghiệm làm bánh giày ở làng văn hóa Tân Lập (Tân Trào)

Trước đây, người Tày thường giã bánh dày vào các dịp lễ, tết, đặc biệt là lễ mừng lúa mới. Ở mỗi vùng miền, bánh giày lại được làm theo những cách khác nhau, nhuộm màu từ lá cây, củ quả hoặc để trắng nhưng đều hấp dẫn và mang hương vị đặc biệt.

Bánh giày với nhiều màu sắc khác nhau làm từ cây, trái tự nhiên.

          Gạo nếp làm bánh giày thường là gạo nếp nương bản địa. Bà Hoàng Thị Âu, người dân thôn Tân Lập chia sẻ, chỉ có nếp nương trồng tại chính vùng đất quê hương mới cho ra được loại bánh giày thơm ngon nhất. Điểm đặc biệt ở làng Tân Lập là nhà nào cũng có vài thửa ruộng chuyên trồng nếp nương, vì đây cũng là vùng làm cơm lam nổi tiếng và tục giã bánh giày đang được mở rộng để phục vụ du lịch.

          Bánh giày ở Tân Trào được biến tấu bằng màu sắc từ những loại lá cây, quả sẵn có để tạo ra những chiếc bánh giày đủ màu sắc. Màu đỏ lấy từ lá cây cơm đỏ hoặc quả gấc, màu tím từ cây cẩm tím, màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá nếp và màu đen từ tro rơm hoặc cây cơm đen. Những màu sắc này được tạo ra từ việc đun lấy nước hoặc giã các loại lá cây hoặc củ khác nhau có sẵn trong tự nhiên, sau đó lấy nước của chúng đem đi ngâm gạo, ngâm qua đêm hoặc 8 tiếng đồng hồ.

          Gạo nếp ngâm xong đem đồ trong chõ. Chõ đồ xôi của người Tày rất đặc biệt, là một thân cây khoét rỗng, cao thành hình ống, dưới đáy tiện tròn thành đế chõ. Người Tày đặt một chiếc vỉ bằng thanh tre đan dày dưới đáy chõ. Chõ được đặt trong một chiếc nồi miệng loe, cổ thắt lại để đồ xôi. Bên trên chõ lót bằng vài lớp lá chuối, đậy kín chõ. Khi xôi chín, mở lớp lá chuối ra là hương nếp bốc lên thơm lừng, quyện trong mùi lá chuối, mùi nan tre tươi…

Giã bánh giày là một trải nghiệm thú vị cần thể hiện sự khéo léo, phối hợp nhịp nhàng.

          Giã bánh giày là công việc không hề dễ dàng, bởi vì xôi nếp giã một lúc sẽ dẻo và rất dính. Phải hai người giã bánh giày và căn nhịp giã để phối hợp với nhau cho đều tay. Phải giã ngay từ lúc nóng, bánh mới dẻo, thơm. Xôi nếp sau khi giã nhuyễn, mịn thì vo tròn, ấn dẹp và gói vào miếng lá chuối/ lá dong đã được lau rửa sạch trước đó. Ai cũng nói, miếng bánh vừa được giã xong luôn là miếng bánh ngon nhất.

 

Bánh giã xong được nặn và xếp đều trên lá chuối

          Người Tày ở Tân Trào có loại bánh giày nhân vừng đen. Hạt vừng đem rang trên lửa nhỏ, phải đảo đều tay, liên tục để không bị cháy. Vừng chín thơm thì đem giã và trộn với mật mía/ đường. Nhiều nơi để tiện và nhanh, đã sử dụng nước đường nấu sẵn để cô với vừng nhưng không thể cho được hương vị thơm ngọt như cô với mật mía. Mật mía cũng được người Tày tự chế biến, từ nước ép mía đem đun cho sánh lại. Vừng trộn mật mía đem làm nhân bánh dày khi bánh mới giã xong, và đem gói với lá chuối đã được hơ qua lửa cho mềm. Bánh giày nhân vừng đen là đặc sản của người Tày ở Tân Trào, không thể thiếu trong những dịp lễ tết.

Bánh giày nhân vừng đen bên trong

          Bánh giày – một trong những món bánh truyền thống, cũng là một trong những yếu tố thu hút du khách đến du lịch ở Tân Trào. Hiện nay, Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng các chương trình trải nghiệm với món bánh giày vô cùng thú vị như: Trải nghiệm giã bánh giày, làm bánh giày, thưởng thức bánh giày….

Trải nghiệm Ngâm chân lá thuốc thưởng thức bánh giày truyền thống của người Tày

          Đặc biệt khi du khách tham gia chương trình trải nghiệm trọn gói Bơi mảng nghe hát then trên hồ Nà Nưa và Ngâm chân lá thuốc dân tộc sẽ được thưởng thức bánh giày truyền thống của người Tày. Đây là một cách để khuyến khích, tri ân các du khách cũng như là một hình thức để giới thiệu về văn hóa ẩm thực truyền thống quê hương. Hương vị rất riêng của món bánh này đã khiến bao du khách để nhớ, để thương và chờ mong được thưởng thức mỗi khi đến với vùng đất chiến khu xưa./.

 

Phương Thúy - Phòng Nghiệp vụ Du lịch

Bài viết khác

Bài viết mới nhất

Làng Homestay dưới chân núi Hồng

30-06-2024| 78 lượt xem

SÂU LẮNG ĐIỆU THEN

14-03-2024| 40 lượt xem